Kỹ năng: NETWORKING - BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

tháng 9 05, 2017
Người Việt Nam có câu nói châm biếm "Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ..." - ám chỉ những yếu tố tiêu cực trên con đường thăng tiến của một cá nhân nào đó. Trong những yếu tố này, "quan hệ" được đặt lên hàng đầu, chứng tỏ chuyện bạn quen ai, biết ai trong xã hội này quan trọng như thế nào. 

Tuy nhiên, nếu gạt bỏ đi những khía cạnh xấu liên quan đến "quan hệ", chẳng hạn như chuyện xin xỏ, gửi gắm con cháu... thì trên thực tế, "quan hệ" luôn là một yếu tố quan trọng có tác động không nhỏ đến sự thành công của mỗi người, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước khác cũng vậy. Thậm chí, ở nước ngoài, người ta không còn coi "quan hệ" là những mối quan hệ đơn lẻ nữa, mà phải được nâng lên thành "network", tức là "mạng lưới các mối quan hệ". Từ đó, ta lại có thuật ngữ "networking", tức là tạo dựng và duy trì mạng lưới các mối quan hệ.

CỤ THỂ, NETWORKING LÀ GÌ?

Nhiều nguồn thông tin trên mạng Internet định nghĩa "networking" trong bối cảnh kinh doanh như sau: Networking là một hoạt động kinh tế xã hội (socioeconomic) mà trong đó những người làm kinh doanh và doanh nhân gặp gỡ lẫn nhau để hình thành các mối quan hệ kinh doanh, qua đó tìm kiếm, tạo dựng và hành động dựa vào các cơ hội kinh doanh, chia sẻ thông tin, đồng thời tìm kiếm các đối tác tiềm năng cho các dự án đầu tư.


Ngay từ nửa sau thế kỷ XX, khái niệm networking đã được người ta khuyến khích và quảng bá như một cách để giúp người làm kinh doanh tăng cường nguồn vốn xã hội của họ. Kể từ đó, networking được coi là một trong những yếu tố không thể thiếu trong quá trình thăng tiến và thành công của một người. Người nào càng có mạng lưới quan hệ rộng và quản lý mạng lưới đó hiệu quả, cơ hội thành công của người đó càng cao.

Nhưng cụ thể thì networking là làm những gì?

Thật ra, networking chính là những hoạt động rất bình thường và đơn giản mà thậm chí bạn không hề nghĩ chúng là networking. Đó có thể là việc bạn ra ngoài gặp gỡ bạn cũ, kết bạn mới, trao đổi thông tin về công việc, gia đình, hay bất cứ đề tài gì mà cả hai (hoặc nhiều) bên cùng quan tâm và thấy thoải mái khi trò chuyện. Bạn cũng có thể networking thông qua một tổ chức hoặc tập thể trung gian như hội sinh viên, hội doanh nhân địa phương, hội những người chung sở thích... Nhưng điều quan trọng là bạn phải GIỮ ĐƯỢC MỐI LIÊN LẠC với những người mà bạn vừa làm quen (hoặc vừa gặp lại sau một thời gian dài không liên lạc với nhau), chứ không phải chỉ gặp nhau một lần rồi thôi.

Vì sao? Câu trả lời sẽ có ở phần dưới.

NETWORKING CÓ LỢI GÌ CHO BẠN?

Rất có thể, bạn đã từng gặp một vài người rất thích thu thập danh thiếp của người khác. Bạn cho đó là một việc chẳng có gì hay ho ư? Điều đó có thể đúng nếu bạn là một người ưa làm việc độc lập và có việc gì cũng tự mình tìm cách giải quyết. Nhưng đã bao giờ bạn gặp một vấn đề mà bản thân không biết giải quyết thế nào chưa? Nếu chưa thì bạn rất may mắn, còn nếu rồi thì nhiều khả năng bạn phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.


Người đó có thể là ai? Là một đồng nghiệp trong công ty, một người có kinh nghiệm làm cùng ngành, một nhân vật nào đó ngoài xã hội, một người thân nào đó trong gia đình bạn hay là một người lạ nào đó được một trong số những người trên giới thiệu cho bạn? Dù đó là ai thì hẳn là bạn phải có một mối quan hệ rất tốt với họ thì họ mới đồng ý giúp đỡ cho bạn. Và để có mối quan hệ tốt thì bạn phải nhờ đến networking.

Đúng thế, networking sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp từ những nguồn lực bên ngoài cho các vấn đề mà tự thân bạn không thể giải quyết được. Một trong những ví dụ dễ nhất là chuyện đi xin việc. Bạn nghĩ xin việc là chỉ cần lên mạng quăng hồ sơ của mình cho các trang tuyển dụng là xong? Nếu làm thế thì khả năng cao là hồ sơ của bạn sẽ trôi dạt về tận đẩu tận đâu giữa hàng triệu hồ sơ khác và nếu có may mắn được nhà tuyển dụng nào đó vớt lên, thì cũng chưa chắc công việc đó phù hợp với bạn, hoặc mức đãi ngộ cũng không xứng đáng với năng lực của bạn. Nhưng giả sử, nếu bạn có một người quen đang làm trong ngành mà bạn muốn xin việc, và qua mối quan hệ khăng khít giữa hai người, anh ta hiểu rõ năng lực và mức đãi ngộ mà bạn mong muốn. Vừa hay, công ty của anh ta đang tuyển dụng một vị trí mà anh ta thấy phù hợp với bạn - thế là, a lê hấp, bạn chỉ cần chuyển hồ sơ cho anh bạn đó và khả năng cao là bạn sẽ được vào thẳng vòng phỏng vấn mà không cần qua các bước xét duyệt hồ sơ khác.

Hay một ví dụ khác, sếp giao cho bạn công việc khảo sát các cửa hàng đang kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực sản xuất của công ty bạn trên địa bàn một quận của thành phố. Nếu như bạn đã "networking" với chủ các cửa hàng đó từ trước, bạn sẽ không khó khăn trong việc thu thập số liệu về tình hình kinh doanh, khách hàng... của họ. Còn trong trường hợp ngược lại, bạn sẽ phải mất kha khá công sức chạy xuống từng cửa hàng để hỏi han, thăm dò, mà cũng chưa chắc đã có được số liệu bạn cần vì nhiều khi họ không muốn tiết lộ cho "người lạ" về tình hình kinh doanh của mình.

Trong cuốn sách Fast Forward của tác giả trẻ Jonathan Yabut, người giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc thi Thực tập sinh Châu Á (The Apprentice Asia), anh đã viết: "Phép màu của mạng lưới quan hệ đó là bạn không thể biết trước mình sẽ gặp ai. Bạn sẽ không biết được người lạ mà mình gặp sẽ dẫn bạn đến điều gì: công việc mới, công ty mới hay mục đích sống mới? Có người không thích thừa nhận điều này – nhưng trong công việc, những người bạn quen biết có vai trò rất quan trọng."

Vậy thì, hãy mở rộng mạng lưới quan hệ của bạn càng lớn càng tốt. Bạn sẽ bất ngờ với những lợi ích mà bạn nhận được từ networking đấy!

NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Đây là một câu hỏi khiến nhiều người bối rối. Người Việt Nam vẫn thường khá thụ động trong việc giao tiếp bên ngoài gia đình và coi đó là chuyện "chẳng đặng đừng", không muốn nhưng vẫn phải làm. 

Vì vậy, trước tiên là bạn phải thay đổi tư duy của mình. Hãy bước ra khỏi vòng an toàn và cởi mở với mọi người để tạo nên những quan hệ mới. Bạn có thể phá bỏ sự mắc cỡ, e ngại ban đầu khi mới tập networking bằng cách chủ động tham gia nhiều hơn, tích cực hơn vào các hoạt động tập thể của gia đình, tập thể, công ty và xã hội. Bạn có thể chuẩn bị một bài giới thiệu (tốt nhất là bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) để chuẩn bị cho những tình huống đòi hỏi bạn phải tự giới thiệu về mình khi tham gia vào các tập thể khác nhau. Bạn cũng nên chuẩn bị danh thiếp cho mình phòng tình huống có ai đó hỏi thông tin liên lạc của bạn (và ngược lại, bạn cũng nên sẵn sàng hỏi xin danh thiếp của người khác nếu thấy cần thiết).


Nếu bạn là người chưa thực sự quen "networking", thì việc phải duy trì quá nhiều mối quan hệ cùng lúc có thể khiến bạn thấy bối rối. Vì vậy, hãy bắt đầu một cách từ từ. Chẳng hạn, bạn có thể lập danh sách 5-10 đồng nghiệp quan trọng nhất mà bạn cần liên hệ nhiều ở công ty và bắt đầu tìm cách networking với họ như rủ họ đi ăn, tìm hiểu sở thích (để xem có sở thích nào tương đồng giữa bạn và họ không), thường xuyên trao đổi về công việc và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Khi cảm thấy mối quan hệ giữa bạn và 5-10 người này trở nên vững chắc rồi, thì hãy từ đó mà mở rộng mạng lưới của mình theo những hướng khác nhau.

ĐỪNG LẠM DỤNG NETWORKING

Như đã nói ở trên, networking rất hiệu quả khi bạn gặp một vấn đề mà tự thân không thể giải quyết được mà phải cần đến những nguồn lực từ bên ngoài. Nhưng, đừng lạm dụng networking cho những vấn đề mà TỰ THÂN BẠN CÓ THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC. Nếu quá lạm dụng networking cho những vấn đề không quá khó, bạn sẽ tự làm thui chột khả năng của bản thân và khiến mình trở nên phụ thuộc vào người khác.

Sao bạn không thử bắt đầu networking bằng cách gọi cho những người bạn cũ, set kèo bia bọt và trao đổi về tình hình công việc và đời sống của nhau nhỉ?

Bên cạnh đó, bạn cũng đừng trông chờ vào những mối quan hệ mà giữa hai bên chưa có gì ngoài một vài cuộc trò chuyện vô thưởng vô phạt và những tấm danh thiếp trao vội. Để networking thực sự phát huy hiệu quả, hãy đầu tư thời gian và công sức cho nó. Điều bạn cần là những mối quan hệ có ý nghĩa thực sự, nghĩa là cả hai bên đều nhận thức được thiện chí và tầm quan trọng của nhau. Như vậy, cả hai bên sẽ đều thoải mái khi có chuyện cần đến sự giúp đỡ của người kia thay vì nghĩ rằng mình đang bị lợi dụng.

Chúc các bạn thành công!

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.